Cách giữ thai trong 3 tháng đầu là điều mà nhiều mẹ bầu quan tâm bởi đây là giai đoạn nhạy cảm và dễ gặp rủi ro nhất. Thời điểm này, thai nhi chưa bám chắc vào tử cung và sức khỏe của mẹ cũng có sự thay đổi nhiều. Tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ những cách giữ thai an toàn trong 3 tháng đầu để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi nhé!
Cách giữ thai trong 3 tháng đầu khoa học, hiệu quả
Giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên là thời gian thai nhi bắt đầu hình thành các cơ quan quan trọng như: tay, chân, các bộ phận sinh dục,... Lúc này, để giữ thai khỏe mạnh, phát triển tốt, mẹ bầu cần:
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ một cách khoa học
Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của thai nhi. Mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu để hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các cơ quan của bé.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, mẹ bầu lưu ý nạp đủ các nhóm vitamin cần thiết có trong các loại thực phẩm sau:
- Axit folic (Vitamin B9): Giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Có nhiều trong các loại rau xanh như cải bó xôi, súp lơ, đậu lăng, và cam.
- Canxi: Hỗ trợ phát triển xương và răng cho bé. Mẹ bầu nên bổ sung canxi từ sữa, các sản phẩm từ sữa, cá hồi và hạt hạnh nhân.
- Vitamin B12: Cần cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Vitamin B12 có nhiều trong thịt đỏ, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên, ngoài ra còn có trong cá béo và trứng.
- Sắt: Ngăn ngừa thiếu máu, hạn chế khả năng sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Sắt có nhiều trong thịt cá, ngũ cốc, rau cải xanh và các loại hạt.
Luôn giữ tâm lý thoải mái trong 3 tháng đầu mang thai
Tâm lý mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Trong 3 tháng đầu, căng thẳng, lo âu có thể gây ra các biến chứng như: sảy thai, sinh non. Sự thay đổi về nội tiết tố và tình trạng stress có thể khiến mẹ bầu cảm thấy lo lắng, mệt mỏi.
Việc giữ tinh thần lạc quan là vô cùng quan trọng. Mẹ bầu có thể dành thời gian cho những hoạt động an toàn mà mình yêu thích như: tập yoga, thiền, nghe nhạc nhẹ, trò chuyện với người thân,… Sự quan tâm, chia sẻ của gia đình và bạn bè sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy được yêu thương và an tâm hơn.
Khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng đầy đủ
Cách giữ thai trong 3 tháng đầu an toàn nhất là khám sức khỏe định kỳ và tiêm phòng đầy đủ. Việc đi khám thai đúng lịch giúp mẹ phát hiện sớm các bất thường như: dị tật ống thần kinh, hội chứng Down,... Đồng thời, các xét nghiệm cần thiết sẽ giúp đánh giá sức khỏe của mẹ bầu, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.
Có 2 mốc siêu âm quan trọng trong 3 tháng đầu mẹ bầu cần ghi nhớ:
- 6 tuần tuổi: Kiểm tra tim thai và xác định sự phát triển của thai nhi.
- 12 tuần tuổi: Đo khoảng sáng sau gáy, giúp phát hiện sớm các bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down.
Nghỉ ngơi đầy đủ và vận động nhẹ nhàng
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi vẫn đang ở giai đoạn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Mẹ bầu cần tránh các hoạt động mạnh như: mang vác đồ nặng, leo cầu thang nhiều, hoặc tập luyện quá sức. Nếu mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, có các dấu hiệu như đau bụng hoặc ra máu, hãy lập tức nghỉ ngơi và đi khám nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Những sai lầm phổ biến trong cách giữ gìn thai ở 3 tháng đầu
Dưới đây là một số sai lầm trong cách giữ gìn thai trong 3 tháng đầu mà nhiều người mắc phải, mang tới nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé:
Nằm yên một chỗ, hạn chế tối đa vận động
Quan niệm mẹ bầu nên nằm yên một chỗ, không di chuyển là cách giữ thai trong 3 tháng đầu sai lầm. Việc không vận động không chỉ không có lợi mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe mẹ.
Trong giai đoạn này, mẹ bầu thường bị ốm nghén, dễ mệt mỏi. Nếu không vận động, máu sẽ khó lưu thông, khiến mẹ bầu càng cảm thấy uể oải hơn. Đối với trường hợp thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc mắc các bệnh lý như: tim mạch, hô hấp, huyết áp,... cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để có sự điều chỉnh sinh hoạt phù hợp.
Nạp quá nhiều chất bổ vào cơ thể
Thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ mẹ để phát triển trong 3 tháng đầu nên mẹ bầu cần nạp đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều chất bổ có thể gây tác dụng ngược, gây hại cho cả mẹ và con.
Khi mẹ bầu hấp thụ quá mức các chất dinh dưỡng, cơ thể dễ bị tăng cân mất kiểm soát, dẫn đến một số nguy cơ như: mắc tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, các vấn đề về tĩnh mạch, tiền sản giật,… Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, mẹ bầu chỉ nên tăng khoảng 1- 2 kg trong 3 tháng đầu mang thai.
Thay vào đó, mẹ bầu hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng các nhóm dưỡng chất. Bổ sung thịt, trứng, sữa và trái cây tốt cho mẹ bầu 3 tháng để tăng cường sức khỏe của cả mẹ và bé.
Kiêng đi khám thai, siêu âm trong 3 tháng đầu
Một số mẹ bầu tránh khám thai, siêu âm vì lo ngại rằng bức xạ có thể gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc khám thai và siêu âm không chỉ an toàn mà còn rất cần thiết. Nó giúp theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi, phát hiện các vấn đề bất thường nếu có. Các mốc khám thai quan trọng thường được đề nghị là tuần 12, tuần 23 và tuần 32 của thai kỳ.
Lo lắng đã từng sảy thai 1 lần, lần tiếp theo sẽ khó giữ
Nếu đây là lo lắng của mẹ bầu đã từng sảy thai 1 lần, vậy thì hãy yên tâm. Theo thống kê, có đến 80% phụ nữ từng sảy thai có thể mang thai khỏe mạnh ở lần tiếp theo. Dù đã từng sảy thai, nếu mẹ bầu được chăm sóc cẩn thận và nắm rõ cách giữ thai trong 3 tháng đầu hoàn toàn có thể cùng con trải qua một giai đoạn thai kỳ an toàn, hạnh phúc.
Một số câu hỏi thường gặp để giữ thai ổn định trong 3 tháng đầu
Bên cạnh những lợi ích và sai lầm phổ biến trong 3 tháng đầu mang thai, một số mẹ bầu còn có những câu hỏi thắc mắc như:
Ăn gì để thai bám chắc vào tử cung?
Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt là khi thai nhi khoảng 7 tuần tuổi, bào thai vẫn chưa hoàn toàn bám chắc vào niêm mạc tử cung. Để giúp thai bám chắc vào tử cung, mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein như: thịt nạc, cá, các loại hạt, đậu, rau xanh, sản phẩm từ sữa,...
Làm sao để biết thai nhi khỏe mạnh 3 tháng đầu?
Một số dấu hiệu cho thấy thai nhi của mẹ đang phát triển khỏe mạnh:
- Xuất hiện triệu chứng ốm nghén, mệt mỏi, thèm ăn. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy thai kỳ đang phát triển ổn định.
- Cảm giác mệt mỏi, đau nhức do tử cung mở rộng dần, tạo không gian cho thai nhi phát triển. Ngoài ra, áp lực của thai nhi đang phát triển về kích thước cũng làm mẹ mỏi mệt.
- Sự thay đổi về cơ thể của mẹ bầu như vòng bụng lớn dần lên, ngực cũng tăng kích cỡ và căng tức.
- Cân nặng mẹ bầu tăng ổn định, khoảng 1-2 kg/tháng trong 3 tháng đầu.
Dấu hiệu được coi là nguy hiểm khi mang thai 3 tháng đầu là gì?
Mẹ bầu cần lưu ý kỹ khi nhận thấy bản thân có một trong những dấu hiệu dưới đây trong 3 tháng đầu của thai kỳ:
- Ngứa vùng kín: Có thể do nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mẹ bầu cần đi khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn điều trị.
- Ra máu bất thường: Nếu ra máu nhiều, kéo dài quá 2 giờ, màu đỏ tươi có thể là dấu hiệu dọa sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Mẹ hãy đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
- Nôn ói nhiều, khó kiểm soát: Đa số mẹ bầu đều trải qua cơn buồn nôn do ốm nghén. Nhưng nếu tình trạng nôn quá nhiều, cơ thể có thể bị mất nước và mất cân bằng điện giải. Mẹ nên uống nhiều nước, chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ để dễ tiêu hóa. Nếu không cải thiện, hãy đi khám để được tư vấn điều trị.
- Sốt cao: Sốt trên 38 độ trong 3 tháng đầu gây nguy hiểm đến thai nhi. Mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà mà hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn.
- Tiểu buốt hoặc tiểu ra máu: Có thể do viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Mẹ bầu lưu ý điều trị nhiễm trùng sớm để tránh biến chứng sinh non.
- Chuột rút quá mức: Nếu triệu chứng này kéo dài có thể là dấu hiệu của thai yếu. Mẹ nên kết hợp nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể và sắp xếp đi khám nếu triệu chứng không thuyên giảm.
Hy vọng những cách giữ thai trong 3 tháng đầu mà bài viết đã chia sẻ sẽ giúp mẹ bầu tự tin và yên tâm hơn trong hành trình mang thai. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ lo lắng nào để có sự chăm sóc tốt nhất mẹ nhé!